GERD – Trào ngược dạ dày

PHẦN I: DINH DƯỠNG GIÚP KIỂM SOÁT BỆNH GERD

Như đã hứa với các bạn, Hôm nay mình chia sẻ về kinh nghiệm để kiểm soát bệnh Trào ngược dạ dày thực quản của mình với tư cách là một người từng bị bệnh như các bạn.
Công thức trị bệnh của cá nhân mình là: CHẾ ĐỘ ĂN KIỀM HÓA/KHOA HỌC + THAY ĐỔI LỐI SỐNG + KIỂM SOÁT STRESS + THUỐC ĐIỀU TRỊ/HỖ TRỢ/LIỆU PHÁP BỔ SUNG + KIÊN TRÌ+KIÊN TRÌ+KIÊN TRÌ 

Do vậy, Bài viết chia sẻ đầu tiên mình muốn đề cập đến vấn đề dinh dưỡng, chế độ ăn vì như các bạn đều biết: Bệnh từ miệng vào. Câu đầu tiên Bác sỹ hỏi khi chuẩn đoán bệnh này cho mình là: Em thường xuyên ăn tối muộn phải không? Do vậy mình xin bắt đầu bằng chế độ dinh dưỡng và ăn uống KIỀM HÓA hàng ngày mình đã áp dụng để kiểm soát bệnh. Đây là vấn đề cá nhân mình đánh giá có tác động lớn đến việc khỏi bệnh (80%).
Trước hết mình sơ qua về bệnh sử của mình:

CÁC TRIỆU CHỨNG
– Viêm trợt hang vị (nhẹ)
– Vướng họng
– Ho khan
-Đau ngực, lưng, rát họng
– Đầy bụng, khó tiêu, ợ hơi
-Giảm cân (12kg trong 2 tháng, từ 53 còn 41 kg)

ĐIỀU TRỊ

– Tây y: các thuốc Pantolog, nexium, zantac, gaviscon…; Sau 2 tháng, mình giảm ho nhưng khó tiêu, rất mệt nên quyết định dừng thuốc
– Đông y: thuốc số 12 viện 103; 20 thang ở Viện YHCT TW, thuốc của viện YHCT Quân Đội; 2 lọ Tỳ Bách Thảo (không tác dụng), nghệ mật ong, viên tinh nghệ (Ấn Độ) và một số bài thuốc đông y gia truyền khác.
Các liệu pháp bổ sung: Tác động cột sống, bấm huyệt, diện chẩn…

Mình thấy thuốc Tây y giúp ổn định các triệu chứng, giảm ho, tuy nhiên gây khó tiêu, trướng bụng hơn. Thuốc Đông y giảm chút xíu xong bị lại luôn. Đông y đóng vai trò hỗ trợ duy trì tốt hơn

TÌNH TRẠNG HIỆN NAY

– Khi ăn/uống no quá bị trào ngược 1 lần rồi thôi
– Stress/trầm cảm thì hơi khó chịu dạ dày một chút. Vài ba ngày là hết
– Nói chung khá ổn định. KHÔNG CÒN KIÊNG KHEM QUÁ NHIỀU. Cân nặng đã trở về 50 kg

THAY ĐỔI CHẾ ĐỘ ĂN

KIÊNG/HẠN CHẾ

– Thịt đỏ/thịt bò; sữa giàu chất béo, pho mát, kem, bánh rán và khoai tây chiên
– Các sản phẩm fast food: pizza, xúc xích,cà chua/nước sốt cà chua
– Các đồ uống có ga, cồn, chất kích thích
– Các loại đồ chua: cam, quýt, bưởi
– Gia vị cay nóng, đồ ăn hàn, lạnh
– Đồ ăn chiên, xào nhiều dầu mỡ

CHẾ ĐỘ ĂN KIỀM HÓA/DỄ TIÊU

– Yến mạch, bí ngô, chuối sứ, sữa chua men vi sinh
– Tăng cường Rau/củ quả hấp HÀNG NGÀY (giữ được các enzym tiêu hóa)
– Ăn cá, gia cầm
– Thực phẩm có độ KIỀM cao: Hạnh nhân, ớt chuông, bông cải xanh, chuối chín, đu đủ chín, quả bơ, dưa hấu…(các bạn tìm hiểu thêm)

ĐỒ ĂN/UỐNG VẶT
#
– Bánh gạo/quy mặn; bánh mỳ khô rất hữu ích khi quá nhiều dịch vị
– Ăn bổ sung các loại hạt để tăng dinh dưỡng: hạnh nhân, hạt điều…
– Uống trà hoa cúc giúp an thần, nước ấm vào sáng sớm để sạch ruột và dạ dày, tăng cường ăn gừng, uống mật ong ngâm gừng giúp ấm tỳ vị; nước nha đam/lá nha đam; trà nụ/lá vối kích thích tiêu hóa

CÁCH ĂN

– Nhai thật kỹ để dễ tiêu
– Chỉ ăn 75-80% khả năng chứa của dạ dày
– Ăn nhiều bữa nhỏ
– Không ăn canh/cháo loãng/uống nước trong khi ăn
– Uống nước sau ăn tối thiểu 30 phút
– Ăn trước khi ngủ 2-3 tiếng
– Sau khi ăn cần nghỉ ngơi thư giãn tối thiểu từ 30 phút- 1 giờ
Đó là chế độ dinh dưỡng ăn uống mình đã áp dụng trong thời gian điều trị bệnh. Tất nhiên, mình phải mất một thời gian khá dài để thay đổi được môi trường KIỀM HÓA cho cơ thể. Mình đánh giá nó có tác động lớn nhất đến tình trạng của mình. Hy vọng các bạn có thể tham khảo được gì đó hữu ích cho mình.

PHẦN II: KIỂM SOÁT BỆNH GERD BẰNG THAY ĐỔI LỐI SỐNG
1. NGỦ/NGHỈ NGƠI
– Dạ dày của bạn cần thời gian để nghiền nát và tiêu hóa thức ăn. Do vậy, sau khi ăn xong không làm gì, nghỉ ngơi tối thiểu 30 phút, nếu tốt nhất là nghe nhạc cho thư giãn. Nói chung nên nghe nhạc thường xuyên để thư giãn đầu óc, tinh thần
– Cố gắng đi ngủ sớm để đảm bảo sức khỏe. Tốt nhất trước 11 giờ tối
– Khi ngủ gối đầu cao/kê chân giường lên cao (Mình gối đầu cao quá giờ đau hết cả cột sống nên các bạn hãy kê cao chân giường, hoặc nằm gối chuyên dụng)
– Ngủ sau khi ăn 2-3 tiếng, không nằm xuống ngay sau khi ăn
2. LÀM VIỆC
– Không làm việc khi ăn (trước giờ mình hay vừa ăn vừa làm nếu quá bận)
– Sắp xếp công việc để tránh bị quá tải/áp lực
– Thay đổi công việc (nếu có thể). Thực tế là mình đã áp dụng điều này nhưng mình biết không phái ai cũng làm được. Công việc của mình rất áp lực và bận rộn nên khi bị bệnh mình đã ở nhà một năm chỉ nghỉ ngơi, uống thuốc, đi bơi, học vẽ để thư giãn đầu óc. Sau đó ổn hơn mình lại tiếp tục đi làm ở một nơi mới nhưng tính chất công việc vẫn rất bận rộn, stress, công tác liên tục, ăn ngủ nghỉ không thể đúng giờ nên sau một năm làm việc mình quyết định chuyển sang học ngành YHCT vừa để chăm sóc sức khỏe bản thân, gia đình, vừa có thể tác nghiệp tự do, không áp lực. Mình thấy rất may vì mình đã thực hiện được điều này.
– LUYỆN TẬP/THƯ GIÃN/GIẢI TRÍ
– Tập yoga,
– Đi bộ rất tốt cho các bạn bị rối loạn thần kinh thực vật(buổi tối, sau ăn tối thiểu 1 tiếng),
– Suối nguồn tươi trẻ (tập một thời gian ngắn, tinh thần rất tốt nhưng cổ tay nhỏ nên khi tập không chống được,gây đau nên mình dừng). Cá nhân mình thấy tập bài này thay đổi tâm trạng theo hướng tích cực rất tốt. Nhưng bạn nào hay trào ngược thì cân nhắc vì nó bao gồm nhiều động tác cúi người
– Bơi (riêng bơi các bạn cần cẩn thận vì một số động tác chúi người xuống có thể gây trào ngược)
– Mát xa bụng thường xuyên để kích thích tiêu hóa (Massage theo khung đại tràng)
– Tập thở bụng, vừa thư giãn vừa hỗ trợ tiêu hóa
– Thường xuyên nghe nhạc để thư giãn
– Đi chùa, tụng kinh niệm Phật, tham gia các hoạt động cộng đồng giúp tinh thần thoải mái
3. LẠC QUAN/ĐƠN GIẢN HÓA MỌI CHUYỆN
– Suy nghĩ, buồn phiền, cáu giận là một trong những nguyên nhân khiến bệnh dạ dày trầm trọng hơn. Hãy thay đổi suy nghĩ. Cố gắng đơn giản hóa mọi chuyện, sống bao dung hơn sẽ thấy mọi cái nhẹ nhàng hơn, kể cả bệnh tật

PHẦN III: ĐỐI PHÓ VỚI CÁC TRIỆU CHỨNG KHÓ CHỊU

I. CẢM GIÁC NGHẸN/NUỐT VƯỚNG

– Chắc mình nghĩ đây là cảm giác khó chịu nhất của người bệnh nói chung, không riêng gì mình. Mình cũng mất khoảng hơn 7 tháng gì đó mới có thể hết được triệu chứng này. Nếu hỏi làm gì để hết cảm giác này thật khó trả lời cho chính xác. Tuy nhiên, tích cực điều trị, ăn uống ngủ nghỉ hợp lý sẽ dần dần giúp lui bệnh. Cảm giác này gặp ở nhiều bệnh như rối loạn hệ thần kinh thực vật, dạ dày…Một trong những cách tốt để ổn định hệ thần kinh thực vật là đi bộ nên mình đã kiên trì ĐI BỘ SAU BỮA ĂN tối 1 tiếng, đi nhẹ nhàng, vừa giúp ổn định, điều hòa hệ thần kinh, vừa giúp hỗ trợ tiêu hóa và ngủ ngon.

II. ĐẦY BỤNG KHÓ TIÊU

– Sau khoảng 2 tháng điều trị thuốc Tây Y, mình đỡ hẳn ho dai dẳng nhưng lại xuất hiện triệu chứng đầy bụng khó tiêu, rất khó chịu. Mình đã dừng thuốc Tây và áp dụng vài biện pháp sau:

  • Nhai thật kỹ thức ăn để nước bọt thấm nhuyễn vào thức ăn sẽ dễ tiêu hóa hơn
  • Ăn rau hấp cách thủy để giữ được các enzym tiêu hóa
  • Uống trà lá/nụ vối
  • Ăn/uống bổ sung sữa chua vi sinh Kefir, sữa chua uống Yakul
  • Ưu tiên ăn các đồ ăn nhẹ, dễ tiêu như bí đỏ, yến mạch vào buổi tối
  • Uống bổ sung các loại men tiêu hóa: Donagen, Gastro Zym
  • Đi bộ, Massage bụng theo khung đại tràng/massage theo hướng đi xuống

III. ĐAU HỌNG

– Cảm giác đau họng khó chịu nhất là vào buổi sáng vì mình bị trào ngược nặng vào ban đêm khi ngủ. Lúc đầu mình ngậm 1 thìa mật ong trước khi đi ngủ để bảo vệ thành thực quản và họng trước sự tấn công của acid. Sau này mình sợ bị sâu răng do mật ong quá ngọt đường nên mình đã ngậm 1 thìa dầu ăn: dầu vừng/dầu oliu trước khi đi ngủ. Nếu sáng dậy vẫn đau mình sẽ dùng một thìa dầu ăn để súc họng rồi nhổ đi. Mục đích của việc ngậm dầu ăn là để hạn chế sự tiếp xúc trực tiếp của acis/dịch dạ dày lên thành thực quản và họng. Dầu ăn thô chưa qua rán sẽ ko tạo acid như dầu khi chế biến chiên rán nên các bạn có thể yên tâm. Đây là một cách mà mình thấy hiệu quả nhất.

– Ngoài ra mình cũng ăn mật ong, trộn với một miếng nha đam dưới 100 gr xắt nhỏ

IV. ĐAU LƯNG/NGỰC

– Mình bị đau ngực, đau lưng rất nặng. Đau đến không thể nằm xuống, không thể ngủ nổi. Phương pháp đối phó của mình là

o Ăn bữa nhỏ, không ăn quá no.

o Hạn chế các đồ ăn lỏng trong bữa tối

o Không nằm xuống ngay sau khi ăn

o Khi ngủ gối cao, kê cao chân giường

o Ngủ nằm nghiêng về bên trái

V. Ợ HƠI

– Thực tế thì mình cũng có bị ợ hơi nhưng không nhiều. Cách khắc phục là nhai kỹ, không nói chuyện, không uống khi ăn. Uống nước thì uống từng hụm nhỏ, uống sau khi ăn tối thiểu 30 phút. Massage bụng.

VI. DƯ ACID

– Mình thường có cảm giác bị dư a cid vào sáng sớm. Do vậy buổi sáng ngủ dậy mình thường uống một cốc nước ấm pha với mật ong hoặc mật ong gừng để làm sạch dạ dày, ruột, ấm tỳ vị. Sau đó nếu mình có cảm giác nóng rát, nhiều acid mình sẽ ăn sáng với một vài lát bánh mỳ khô, hoặc mấy cái bánh gạo mặn để hút dịch vị/acid, giảm cảm giác khó chịu, nóng rát.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *